Công đoàn

CBGV trường Đại học Thương mại tham gia chương trình " MÁY TÍNH CHO EM"

24/09/2021
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy học trực tuyến, song do hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học hoạt động chưa tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập, sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả.
Theo tổng hợp của Bộ GDĐT, đến thời điểm ngày 12/9, cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến (một số tỉnh chỉ học trực tuyến một số vùng, có tỉnh không giản cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến), với số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh. Số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến cần hỗ trợ ước khoảng 1,5 triệu em.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phát động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em” nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực trong toàn ngành ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến.

Sau khi chương trình được phát động, cán bộ, giảng viên Trường Đại học Thương mại đã đồng lòng tham gia với quyết tâm không để một học sinh nào mất đi cơ hội được học tập. Kết thúc cuộc vận động, cán bộ, giảng viên toàn trường đã đóng góp được 176.400.000đ (Một trăm bảy mươi sáu triệu bốn trăm ngàn đồng). Toàn bộ số tiền vận động đã được chuyển tới Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Đây là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa của tập thể cán bộ, giảng viên Trường Đại học Thương mại nhằm chung tay sẻ chia trách nhiệm cộng đồng, đồng thời cũng thể hiện truyền thống tương thân, tương ái của Nhà trường, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Tham gia chương trình "Máy tính cho em", Nhà Trường và toàn thể cán bộ, giảng viên hy vọng sẽ phần nào hỗ trợ việc học của các em học sinh, đặc biệt là học sinh ở những vùng khó khăn, để các em có thể học tập tỗi mối ngày mà không phải chịu quá nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh.